[tintuc]

dien-dan-cap-cao-ve-nang-luong-viet-nam-2020-uu-tien-phat-trien-hop-ly-nang-luong-tai-tao-1

Trong các nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết 55 – Bộ Chính trị được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam (22/7/2020), có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng các quy hoạch phát triển ngành năng lượng trong đó ưu tiên phát triển hợp lý năng lượng tái tạo.

Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức với mục đích kịp thời triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mở đầu Phiên toàn thể (diễn ra vào sáng ngày 22/7/2020), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã đánh giá, ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, có đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Thời gian vừa qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng, bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm, đầu tư thích đáng cho phát triển năng lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành năng lượng Việt Nam đã cơ bản bảo đảm năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với chất lượng ngày càng được cải thiện, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều địa phương và cả nước.
Phó Thủ tướng đánh giá, ngành năng lượng Việt Nam đã vươn mình trở thành ngành kinh tế có quy mô lớn, phát triển năng động và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc tiêu thụ năng lượng gia tăng đáng kể. Cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và từng bước chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Người dân, doanh nghiệp đều đã có ý thức trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển ngành năng lượng được huy động với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp Nhà nước…
Bên cạnh việc ghi nhận những điểm tích cực, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà ngành năng lượng cần khắc phục, cũng như những thách thức mà ngành đang gặp phải, như: trữ lượng sản xuất than, dầu thô, khí đã và đang suy giảm dần, yêu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn dẫn đến giảm khả năng tự chủ về năng lượng, tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế quốc gia khác, bất cập về cơ sở hạ tầng ngành năng lượng, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, còn bất cập trong chính sách giá năng lượng…
dien-dan-cap-cao-ve-nang-luong-viet-nam-2020-uu-tien-phat-trien-hop-ly-nang-luong-tai-tao-3Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nêu các nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo điều hành để phát triển ngành năng lượng Việt Nam, cụ thể:
  • Hoàn thiện thể chế, yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung điều chỉnh đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật dưới các luật này để hướng dẫn, triển khai hiệu quả các nội dung mới, khắc phục những tồn tại, bất cập, trong hoạt động của ngành năng lượng hiện nay.
Các cơ quan liên quan phải xây dựng các cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển các dự án năng lượng, cơ chế tài chính và huy động vốn cho phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện. Xây dựng cơ chế phát triển đột phá đối với điện gió ngoài khơi xa bờ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng, cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện, chính sách thuế khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo…
Xây dựng quy định về lộ trình đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng…
  • Xây dựng Chiến lược phát triển ngành năng lượng và chiến lược phát triển các phân ngành điện và than giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
  • Xây dựng các quy hoạch phát triển ngành năng lượng gồm Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. Phó Thủ tướng nhấn mạnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ phải được phê duyệt ngay trong năm 2020. Quy hoạch này phải xác định rõ quy mô nguồn điện trong từng giai đoạn cụ thể, cơ cấu các nguồn điện để bảo đảm phù hợp với khả năng cung cấp của nguồn năng lượng sơ cấp nhằm tăng cường tính tự chủ về năng lượng của đất nước, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm an toàn, ổn định, hiệu quả cho hệ thống, giảm dần những nguồn nhiệt điện gây ô nhiễm, thay thế bằng các nguồn điện khí, đặc biệt ưu tiên phát triển hợp lý năng lượng tái tạo.
  • Xây dựng cơ chế, thể chế chuyển đổi ngành năng lượng theo cơ chế thị trường, xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm bám sát các chủ trương, định hướng, giải pháp tại Nghị quyết 55. Trong đó, sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022 và phấn đấu có thị trường hoàn chỉnh từ năm 2023; vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than giai đoạn 2026-2030. Các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thí điểm mô hình thị trường cạnh tranh phân phối khí đường ống hạ nguồn, từng bước đồng bộ thị trường khí với thị trường điện ở Việt Nam.
Ngoài Phiên toàn thể sáng 22/7, Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 còn có 4 hội thảo chuyên đề diễn ra vào chiều cùng ngày, trong đó có chuyên đềPhát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo chuyên đề được sự chủ trì bởi PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; Ông Hong Sun, Đồng chủ tịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam; Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương và Đại diện lãnh đạo Viện Năng lượng Việt Nam.
dien-dan-cap-cao-ve-nang-luong-viet-nam-2020-uu-tien-phat-trien-hop-ly-nang-luong-tai-tao-2Hội thảo chuyên đề “Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong khuôn khổ Diễn đàn với sự tham dự của Anh Phạm Nam Phong – Tổng Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Vũ Phong (Vũ Phong Solar)
Hội thảo trên tinh thần bám sát những mục tiêu cụ thể và tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã thảo luận và đóng góp ý kiến để làm rõ một số vấn đề:
  • Cơ chế, chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng mới, năng lượng mặt trời nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch, ưu tiên dự án sử dụng năng lượng mặt trời cho phát điện, chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo đi đôi với công tác bảo vệ môi trường.
  • Điều kiện hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch, năng lượng mặt trời tại các vùng, địa phương có lợi thế.
  • Chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng điện mặt trời, thông tin và xu hướng phát triển công nghệ mới trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng mới.
  • Phân tích và chỉ ra những cơ hội, thách thức, những khó khăn và thuận lợi trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời tại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020 là sự kiện lớn và uy tín nhất của ngành năng lượng Việt Nam năm 2020, do Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Đại sứ quán Phần Lan phối hợp tổ chức.
Phiên toàn thể diễn ra sáng ngày 22/7 có sự tham gia trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng hơn 300 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các diễn giả quốc tế và trong nước tại Hội trường và khoảng gần 1.500 đại biểu tham gia tại 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và 30 điểm cầu quốc tế.
(Tổng hợp)
[/tintuc]

Sản phẩm tương tự